Bệnh CRD ở gà còn được biết đến là bệnh viêm đường hô hấp mãn tính là một bệnh khá thường gặp ở gà quanh năm, đặc biệt trong mùa mưa rét và nóng ẩm.
CRD cần phải có một phương pháp điều trị đặc hiệu bởi rất dễ tái nhiễm, ảnh hưởng đến sức đề kháng, khiến gà kém ăn, chậm lớn làm giảm năng suất chăn nuôi của bà con nông dân.
Xem thêm:
Nguyên nhân gây bệnh CRD ở gà
Vi khuẩn Mycoplasma là nguồn gốc chính gây bệnh CRD trên gà. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các giống gia cầm và ở các lứa tuổi khác nhau.
Việc kiểm soát bệnh CRD là điều rất quan trọng bởi tuy tỷ lệ tử vong gây ra không cao nhưng do bệnh tạo cơ hội cho các vi khuẩn gây bệnh khác phát triển trên vật nuôi. Các trường hợp thường thấy là kết hợp với E.coli và những virus gây bệnh trên đường hô hấp khác như Newcastle, IB,… Từ đó, bệnh làm giảm năng suất chăn nuôi, cần thời gian điều trị kéo dài và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế.
Con đường lây truyền bệnh
CRD ở gà là bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp. Những con gà bị bệnh lây sang những con khỏe. Chúng hít phải mầm bệnh tồn tại trong không khí bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con thông qua trứng lên đến 10- 60%
Triệu chứng bệnh CRD
Bệnh CRD ở gà là loại bệnh có thời gian ủ bệnh khá lâu, khoảng 5 – 10 ngày. Triệu chứng chung bệnh CRD bao gồm:
- Gà thở khò khè, hay hắt hơi và chảy nước mũi.
- Ở gà tây thì xoang mặt và xoang mắt của gà thường bị sưng lên.
- Khi mổ khám bệnh tích, có thể thấy khí quản gà thường bị viêm, xuất huyết, tích dịch, đồng thời túi khí dày lên và có mủ.
Bệnh tiến triển nhanh khi thể trạng gà giảm và thời tiết bất lợi, không khí trong chuồng nuôi nhiễm có nhiều khí độc hại,… hoặc kết hợp với những bệnh hô hấp khác.
Đối với gà thịt
Bệnh CRD ở gà thịt hay xuất hiện khi đàn gà được 4 – 8 tuần. Triệu chứng bệnh ở gà thịt thường nặng hơn so với các loại gà khác bởi việc phụ nhiễm những loại vi trùng khác (thông thường nhất là E.coli). Vì thế, ở gà thịt, bệnh còn được gọi là thể kết hợp E.coli – CRD (CCRD).
Triệu chứng bệnh thường là gà xuất hiện giảm ăn, chảy nước mũi, gà bị khó thở trầm trọng hơn. Đồng thời, gà bị viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, sưng đầu và viêm túi khí nặng. Gà thường ủ rũ và chết sau khi bị bệnh từ 3 – 4 ngày. Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh có thể lên tới 30%, số còn lại thì bị chậm lớn và còi cọc.
Đối với gà đẻ và gà trưởng thành
Bệnh thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết và tiêm phòng, chuyển chuồng, cắt mỏ,… Các triệu chứng của bệnh vẫn là gà bị chảy nước mũi, thở khò khè, ăn ít, gầy ốm. Gà đẻ thường bị giảm sản lượng trứng, tỷ lệ ấp nở kém và gà con nở ra hay yếu ớt.
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh CRD gà
- Để phòng ngừa bệnh CRD ở gà, người nuôi cần chú ý bảo vệ gia cầm khỏi vi khuẩn Mycoplasma cũng như các tác nhân gây bệnh thứ phát khác, cụ thể:
Cần thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ cho gà. - Cần đảm bảo chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ và khô ráo. Chuồng phải đủ ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Chú ý phun sát trùng định kỳ chuồng nuôi.
- Nên nuôi gà với mật độ hợp lí, cần chú ý đảm bảo không gian thông thoáng.
- Ở đàn gà giống, cần thường xuyên kiểm tra máu để loại thải những con gà dương tính với CRD. Chỉ chọn gia cầm ở những cơ sở giống tốt để đảm bảo gà bố mẹ không bị bệnh.
- Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý với sức sản xuất của đàn gà. Chú ý bổ sung đầy đủ các loại vitamin cũng như các chất điện giải để tăng cường sức đề kháng của đàn gà.
Điều trị bệnh CRD ở gà
- Phác đồ điều trị hen (CRD ) gà
Trước khi tiến hành cách chữa gà bị hen, cần chẩn đoán chính xác xem gà bị mắc bệnh kế phát gì, có bội nhiễm hay không để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Ví dụ, nếu gà mắc bệnh CRD ghép với bệnh Gumboro, Newcastle thì cần phải điều trị bệnh Gumboro, Newcastle trước khi tiến hành điều trị bệnh CRD.
Khi gà mắc bệnh CRD, người nuôi cần xử lý như sau:
- Bước 1: Kiểm tra và loại bỏ những yếu tố khiến gà bị stress (có thể do chất độn chuồng bẩn, nguồn nước hay thức ăn không đảm bảo).
- Bước 2: Tiến hành hạ sốt, long đờm cho gà bằng các thuốc có thành phần Vitamin C, Bromhexin,… Để gà uống nước tự do và giảm mật độ nuôi.
- Bước 3: Dùng các kháng sinh Doxycyclin, Tylosin để điều trị bệnh nhưng chú ý không dùng cho gà đẻ vì có thể làm chúng giảm sản lượng trứng. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc trị bệnh CRD ở gà có chứa thành phần Tilmicosin phosphate điều trị hen cho gà.
Nên bắt đầu cho gà dùng thuốc trị CRD trên gà ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh. Thời gian điều trị cho gà có thể kéo dài trong 5 – 6 ngày.
Trên đây là những thông tin cụ thể về bệnh CRD ở gà, một chứng bệnh rất thường gặp trong chăn nuôi mà chúng ta thường gặp phải. Mong rằng những kiến thức phòng và điều trị bệnh sẽ giúp các bạn xử lý tốt hơn khi đàn gà có triệu chứng bệnh. Chúc quá trình chăn nuôi của bạn luôn thuận lợi và đạt được hiệu quả kinh tế cao!